Bí quyết sống thọ trăm tuổi tại Nhật không đến từ những điều xa xỉ mà có mối liên quan trực tiếp với chính chế độ ăn khoa học của họ.
Nhật Bản là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời cùng tuổi thọ trung bình luôn đứng top đầu thế giới. Theo một báo cáo năm 2022 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, hiện tại Nhật có tới 90.526 người từ 100 tuổi trở lên, con số này hiện đã gấp 5 lần so với 2 thập kỷ trước. Trong đó, quần đảo cận nhiệt đới Okinawa là vùng đất nhiều người sống thọ nhất tại Nhật.
Bí quyết sống thọ trăm tuổi tại Nhật không đến từ những điều xa xỉ mà có mối liên quan trực tiếp với chính chế độ ăn khoa học của họ. Người Nhật thường không ăn nhiều trong mỗi bữa, thay vào đó họ thường ăn uống đa dạng. Chế độ ăn uống của họ chủ yếu dựa trên thực vật nên không chứa nhiều calo. Trung bình 1 người Nhật ăn hơn 1kg rau, trái cây và các loại đậu, như đậu nành... mỗi ngày.
Người Nhật còn đặc biệt ưa thích 3 loại rau xanh và coi chúng là "món ăn trường thọ", điều đáng mừng là những loại rau này ở Việt Nam bán giá siêu rẻ nên chúng ta hoàn toàn có thể ăn được mỗi ngày.
Loại rau giúp người Nhật sống thọ, ở Việt Nam cũng có nhiều
Có thể bạn chưa biết: Mướp đắng được coi là "rau sống thọ" của Nhật Bản. Ở đất nước này, mướp đắng được gọi là goya, được trồng chủ yếu ở mảnh đất sống thọ Okinawa. Người dân nơi đây yêu thích mướp đắng vì công dụng thanh lọc máu, thanh lọc cơ thể, lợi tiểu, tăng thị lực...
Trong Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính mát, công dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sáng mắt, mát máu, nhuận tràng, nhuận tỳ, bổ thận, nuôi can huyết, lợi niệu, trừ nhiệt độc, chống mệt mỏi. Mướp đắng là nguyên liệu của nhiều bài thuốc tốt cho sức khỏe.
Cần lưu ý mướp đắng có thể làm giảm lượng đường trong máu vì thế nếu đang trong thời kỳ dùng thuốc hạ đường huyết thì không nên ăn nhiều. Ngoài ra, cần tránh uống trà ngay sau khi ăn mướp đắng kẻo ảnh hưởng dạ dày.
Khẩu vị của người Nhật quả thực rất lạ, họ cực kỳ mê những món ăn có độ nhớt cao, và đậu bắp là một trong số đó. Đậu bắp từ lâu đã người Nhật trồng với số lượng lớn, trở thành món ăn yêu thích của người dân xứ sở Hoa anh đào.
Chất nhầy do đậu bắp tiết ra có chứa pectin và mucin hòa tan. Hai chất này có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường, ức chế sự hấp thụ cholesterol và cải thiện lipid máu. Các carotenoid phong phú trong đậu bắp cũng có thể giúp duy trì sự bài tiết và chức năng bình thường của insulin, và cân bằng lượng đường trong máu.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, đậu bắp có vị chua, dịu, tính mát có tác dụng giảm đau và làm dịu các bệnh như lậu, bí tiểu tiện, bạch đới, táo bón. Món ăn này khi cắt ra có nước nhờn dính, có vị ngọt, thịt mềm.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng trong quả đậu bắp có chứa một lượng oxalate lớn dễ tạo nên sỏi thận với dạng calcium oxalate. Do đó người mắc bệnh sỏi thận không nên tiêu thụ loại thực phẩm này. Đậu bắp là loại rau có tính lạnh, những người bị suy nhược đường tiêu hóa và lạnh bụng, chức năng kém, thường xuyên bị tiêu chảy không nên ăn nhiều.
Rau khoai lang ở Việt Nam thường mọc dại, nhưng tại Nhật Bản, nhiều người đặc biệt ưa thích loại rau này, còn gọi là "rau sống thọ" bởi nguồn dinh dưỡng quý giá. Nghiên cứu tại Đài Loan cho thấy trong lá khoai lang có hàm lượng vitamin B6 cao gấp 3 lần, vitamin C - 5 lần, vitamin B2 - 10 lần so với củ khoai lang thông thường.
Trong Đông y, rau khoai lang hay còn gọi là cam thử, phiên chử, có tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, dùng chữa tỳ hư, kém ăn, thận âm bất túc.
Rau khoai lang có thể trì hoãn sự lão hóa, chữa viêm khớp, thấp khớp, giúp nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, ngừa bệnh ung thư... do đó xứng đáng được mệnh danh là "thứ rau trường thọ".
Cho dù rau khoai lang rất bổ dưỡng lương y Hồng Minh khuyến cáo cần lưu ý không nên ăn rau lúc quá đói vì có thể gây hạ đường huyết quá mức. Đặc biệt là không nên ăn rau khoai lang sống vì sẽ gây táo bón.